Hi vọng thị trường xăng dầu sẽ giảm bớt độc quyền, thực sự cạnh tranh hơn về giá hướng tới có lợi cho người tiêu dùng.
Là một trong những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế và đời sống, mỗi lần tăng hoặc giảm giá xăng dầu đều thu hút sự quan tâm của dư luận. Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11 tới đang được kỳ vọng sẽ có những đột phá trong cơ chế quản lý mặt hàng này.
Một trong số những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 83 là tăng thêm 2 thành phần được tham gia kinh doanh xăng dầu gồm thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền, thay vì chỉ có 3 thành phần được tham gia vào thị trường xăng dầu là doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ hoặc cửa hàng bán lẻ như trước đây.
Theo đó, thương nhân phân phối xăng dầu có quyền và nghĩa vụ không kém gì so với doanh nghiệp đầu mối, ngoại trừ việc không được nhập khẩu, còn lại, có thể được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối và được quyết định giá bán lẻ cho riêng mình. Còn thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu được bán lẻ tại cửa hàng của mình theo giá bán lẻ do thương nhân nhượng quyền (là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu) quy định.
Nghị định 83 mở ra sự cạnh tranh về giá trên thị trường xăng dầu. (Ảnh: KT)
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cho rằng, đối với kênh phân phối, trong Nghị định 83 quy định kênh phân phối không chỉ là đại lý, tổng đại lý mà còn cho phép hệ thống phân phối lại từ các doanh nghiệp đầu mối.
“Nhà phân phối này cũng tự tổ chức hệ thống phân phối thông qua các cửa hàng và chịu trách nhiệm tới cùng đối với hàng hóa, đảm bảo tuân thủ theo luật thương mại, trong đó có nhượng quyền thương mại, đây là điểm mới phù hợp với những đầu mối nhập khẩu cũng như thông lệ quốc tế. Đây cũng là điểm khác biệt rất rõ so với nghị định 84 trước đây”, ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định.
Thực tế, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện có 21 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, nhưng thời gian qua chưa có sự cạnh tranh thực sự về giá. Điều này thể hiện ở việc, mỗi khi điều chỉnh giá xăng dầu, thì dù là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), hay Công ty Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công Ty Hóa dầu Quân đội (Mipec)…đều đưa ra mức giá giống nhau. Không doanh nghiệp nào bán với giá rẻ hơn giá mà Petrolimex đưa ra. Do đó, điều mà những người tiêu dùng kỳ vọng về một thị trường xăng dầu cạnh tranh với nhiều thành phần cùng tham gia quyết định giá vẫn chưa trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, với việc bổ sung 2 đối tượng được tham gia thị trường xăng dầu là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền, trong đó, thương nhân phân phối cũng được quyền quyết định giá bán lẻ của mình, thay vì trước đây, việc điều chỉnh giá là do doanh nghiệp đầu mối quyết định, một số chuyên gia cho rằng, điều này sẽ làm giảm thế độc quyền, mở ra sự cạnh tranh về giá trên thị trường xăng dầu.
Thương nhân phân phối được phép mua xăng dầu từ nhiều đầu mối khác nhau, trên cơ sở thương lượng giá mua vào, tính toán các chi phí và đưa ra mức giá bán lẻ, chứ không chịu sự chi phối của thương nhân đầu mối. Khi đó, thị trường có nhiều mức giá khác nhau và người tiêu dùng sẽ được lợi vì có thể tự do lựa chọn mua của doanh nghiệp nào cạnh tranh hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Đây là hướng tích cực để đa dạng hóa mức cung, mức giá. Với quy định này, mặc dù có thành phần duy nhất là nhà nước tham gia nhập khẩu, nhưng phần bán lẻ có thể khuyến khích bán lẻ theo các mức giá khác nhau dựa trên cơ sở chiết khấu, chi phí kỹ thuật, định mức khác mà doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ được phép chủ động trong quá trình hoạt động của mình, tạo ra giá cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Đây là quy định tốt, tuy nhiên cần tránh trường hợp đại lý lại trở thành mua đứt bán đoạn rồi độc quyền tăng giá bán lẻ, có lợi cho người tiêu dùng.”
Mặc dù vậy, khi có nhiều thành phần tham gia thị trường xăng dầu, việc quản lý chất lượng sẽ rất khó khăn. Bởi trước đây, tổng đại lý chỉ mua của duy nhất 1 đầu mối và đầu mối đó sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu của mình. Nhưng sau đây, thương nhân phân phối được mua của nhiều đầu mối khác nhau rồi bán cho các thương nhân nhận quyền và tổng đại lý, thì rõ ràng quản lý chất lượng là vấn đề cần đặt ra.
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các cơ quan liên quan cần đưa ra hướng dẫn hợp lý, đảm bảo chất lượng xăng dầu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần đưa ra một thông tư liên bộ để có hướng dẫn cụ thể, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
“Về chất lượng xăng dầu, khi có nhiều thành phần tham gia thì rõ ràng quản lý chất lượng là khó khăn hơn nhiều. Như vậy, thông tư liên tịch phải hướng dẫn. Các bộ Tài chính, Công Thương, Khoa học Công nghệ phải phối hợp với nhau để trên cơ sở luật pháp hướng dẫn vấn đề này. Về các chế tài xử phạt ở Nghị định mới là không có và tôi cho rằng nếu Thông tư hướng dẫn mà có quy định xử phạt thì cũng không đủ tính pháp lý. Nên cần có một Nghị định xử phạt về kinh doanh xăng dầu và chế tài xử phạt cần phải quy định ở mức cao”, ông Ruệ cho biết.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực. Một thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự là điều kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi cùng với cạnh tranh về giá thì cũng cần phải đảm bảo chất lượng xăng dầu. Do đó, cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo Nghị định mới được thực thi hiệu quả, tạo bước đột phá tích cực trên thị trường xăng dầu./.