Chiều 21/3, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định giảm giá các mặt hàng xăng dầu.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, Liên Bộ quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) đối với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut không trích lập. Đồng thời ngừng chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92, không cao hơn 28.330 đồng/lít (giảm 655 đồng/lít so với giá hiện hành).
Xăng RON95-III, không cao hơn 29.192 đồng/lít (giảm 632 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu diesel 0.05S, không cao hơn 23.633 đồng/lít (giảm 1.635 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu hỏa, không cao hơn 22.245 đồng/lít (giảm 1.673 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu mazut 180CST 3.5S, không cao hơn 20.423 đồng/kg (giảm 564 đồng/kg so với giá bán hiện hành).
Về nguyên nhân giảm giá xăng dầu, Liên Bộ cho biết, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3/2022 và kỳ điều hành ngày 21/3/2022 giảm.
Liên Bộ cũng cho biết kỳ điều hành lần này, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 02 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước (mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây), mức chi Quỹ BOG cho các mặt hàng đang được áp dụng ở mức tương đối cao (từ 300-1.500 đồng/lít) trong khi số dư Quỹ BOG đã gần hết (tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm).
(Hình Minh Họa)
Trước tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tạo nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu kịp thời cho thị trường khi các yếu tố về nguồn từ trong nước và thế giới có diễn biến bất lợi (tăng công suất của nhà máy lọc dầu Bình Sơn; khắc phục sự cố của Nghi Sơn; tăng nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ Nghi Sơn thậm chí tính tới kịch bản Nghi Sơn ngừng hoạt động).
Thứ hai, điều tiết cung cầu (chỉ đạo bổ sung nguồn hàng thiếu hụt cho các địa phương, cửa hàng thiếu hàng cục bộ).
Thứ ba, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nếu vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu đặc biệt là hành vi “găm hàng, chờ tăng giá”.
Thứ tư, điều hành giá theo hướng bám sát giá thế giới, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng và duy trì bán hàng liên tục trong hệ thống.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lưu ý, thời gian qua, trên một số trang mạng của Việt Nam đã đăng tải một số thông tin sai sự thật về nguồn cung, giá cả cũng như công tác quản lý mặt hàng xăng dầu, ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, doanh nghiệp và hoạt động bình ổn thị trường của Chính phủ.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh và điều tra việc đăng tải những thông tin sai sự thật nêu trên và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan thông tin truyền thông cần xác minh thông tin chính xác trước khi đăng tải, phối hợp với Bộ Công Thương đưa tin đầy đủ và chính thống về việc cung ứng, điều hành giá mặt hàng xăng dầu, các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường để tạo sự đồng thuận trong dư luận, tránh đưa tin cục bộ, thất thiệt gây hoang mang, bất ổn thị trường.
Đề nghị người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu không nên mua tích trữ xăng dầu gây mất cân đối cung cầu cục bộ và mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
(Nguồn :VnEconomy)