16/03/2022
Hiện nay ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng hơn 40% là thuế và phí. Theo bà đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Nga, việc chọn giảm 50% thuế bảo vệ môi trường để giúp kìm giá xăng dầu về lâu dài không thực sự hợp lý. Các luận cứ đã được bà đưa ra để hỗ trợ luận điểm trên cụ thể như sau:
Thứ nhất, không phù hợp với bản chất của thuế bảo vệ môi trường. Bởi thuế được xây dựng dựa trên mức độ gây ô nhiễm của các mặt hàng gây ô nhiễm. Nếu giảm loại thuế này với xăng dầu thì sẽ dẫn đến một nghich lý đó là đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp và ngược lại.
Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng/ lít sẽ lỗ nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế. Điều này chưa phù hợp và cân đối trong việc điều hành giá cả và đảm bảo lợi ích giữa các bên.
Thứ ba, nên chọn sắc thuế khác để giảm như là thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Các quốc gia quốc tế có sử dụng thuế để điều tiết giá xăng dầu đều chọn các loại thuế khác với thuế bảo vệ môi trường để bình ổn giá như ở Anh và Canada chọn giảm thuế VAT; Ấn Độ và Thái Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trả lời đại biểu Lưu Mai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải thích chọn giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường bởi vì đây là cách xử lý nhanh nhất để bình ổn giá xăng dầu trong nước trước bối cảnh Quỹ bình ổn xăng dầu của Việt Nam gần hết và giá xăng dầu thế giới thì đang tăng cao. Nếu chọn giảm sắc thuế khác, sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và phải tới tháng 5 mới có thể thông qua và tháng 6,7 Nghị quyết Quốc hội mới có hiệu lực.
(Ông Nguyễn Hồng Diên)
Ở Việt Nam kinh tế thì theo hướng kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa – có sự quản lý của nhà nước. Do đó, Bộ trưởng Hồng Diên nhận định đây là cơ chế giảm giá vừa có thể cứu được kinh tế trong nước và vừa hỗ trợ được người dân nhanh nhất trong bối cảnh hiện tại.
Trong phiên họp lần thứ 9 này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đưa ra giải pháp dài hạn để đảm bảo được nguồn cung xăng dầu trong nước một cách chủ động qua việc yêu cầu tập đoàn Petrovietnam khẩn trương xây dựng thêm một nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu. Thêm vào đó, đẩy mạnh tăng cường việc khai thác dầu thô trong nước vì hiện nay mới đáp ứng được có 50% lượng dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đủ đáp ứng nhu cầu từ 5-7 ngày và nguồn này chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt. Hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống kho riêng, do đó việc dự trữ này đang được giao cho các đầu mối quản lý. Do đó, ông Hồng Diên thừa nhận đây là cơ chế bất hợp lý vì không kiểm soát được rằng doanh nghiệp đầu mối có dự trữ đúng hay không. Vì thế nên sớm có cơ chế tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ xăng dầu để việc vận hành tốt hơn. Ngoài ra, có thể nghiên cứu thay phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá, chuyển từ tính bằng tiền sang dự trữ hàng để khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng được ngay.
(Nguồn: VNexpress)