Mức tăng đã được kiềm chế nhờ tăng sử dụng quỹ bình ổn, song vẫn gây tranh cãi sau một thời gian dài doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ tiền thuế nộp "oan" của người tiêu dùng.
Bộ Tài chính sửa chênh lệch thuế xăng dầu nhập khẩu / Người dân khó đòi hàng nghìn tỷ nộp 'oan' cho doanh nghiệp xăng dầu
Giá bán lẻ các mặt hàng xăng và diesel được Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh tăng lúc 16h30 chiều 21/3, trong đó các mặt hàng xăng tăng 670 đồng so với trước. Các mức cụ thể như sau:
Trước đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã có văn hỏa tốc gửi các doanh nghiệp, yêu cầu điều chỉnh giá bán lẻ. Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92 không được cao hơn giá cơ sở 14.422 đồng một lít, xăng E5 là 13.891 đồng, các mặt hàng dầu dao động trong khoảng 7.225-9.873 đồng một lít.
Đây là lần tăng đầu tiên của giá bán lẻ xăng dầu trong vòng hơn 5 tháng qua. Lần gần nhất là vào ngày 3/10/2015.
Theo số liệu của cơ quan quản lý, trong chu kỳ tính giá gần nhất, các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng giá mạnh, khiến giá cơ sở tăng cao hơn mức bán lẻ đang áp dụng. Riêng mặt hàng xăng là hơn 1.300 đồng một lít, tương đương khoảng 9,54-9,66%. Các mức cụ thể như sau:
Mặt hàng Giá cơ sở cũ Giá cơ sở mới Chênh lệch %
Xăng Ron 92 14.122 15.469 +1.347 +9.54%
Xăng E5 13.684 15.006 +1.322 +9.66%
Dầu diesel 0,05S 10.563 10.856 +293 +2.77%
Dầu hỏa 9.900 9.814 -86 -0.87%
Dầu ma dút 3,5S 7.294 7.456 +162 +2.22%
Chênh lệch với mặt hàng xăng nêu trên cao hơn 7% nên theo quy định, cơ quan điều hành phải xin ý kiến Thủ tướng. Do đó, đợt điều chỉnh lẽ ra tiến hành theo chu kỳ vào ngày 19/3 đã được dời sáng hôm nay, sau khi phương án được Liên bộ trình đã được người đứng đầu Chính phủ chấp thuận.
Theo đó, để khỏa lấp khoản chênh lệch hơn 1.300 đồng nêu trên với mặt hàng xăng, cơ quan điều hành đã cho phép tăng mức sử dụng quỹ bình ổn thêm 677-752 đồng một lít (lên mức 1.047 đồng với các loại xăng khoáng và 1.115 đồng với xăng sinh học). Số còn lại được tính vào mức giá tăng cho người tiêu dùng. Mức sử dụng quỹ bình ổn với dầu diesel giữ nguyên ở 983 đồng, dầu hỏa giảm còn 909 đồng một lít, còn madút tăng lên 231 đồng một kg.
Phương án nêu trên giúp hãm đà tăng của giá bán lẻ xăng dầu, song vẫn gây tranh cãi bởi ngay khi giá thế giới tăng trở lại, bên phải chịu toàn bộ khoản chênh lệch vẫn là người tiêu dùng (ngay cả quỹ bình ổn cũng là tiền do bên mua xăng dầu nộp vào trước đó). Trong khi đó suốt nhiều tháng qua, trong bối cảnh giá thế giới giảm, người tiêu dùng vẫn phải chi trả "oan" hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng do lỗ hổng về thuế phí trong cách tính giá cơ sở.
Lỗ hổng này đã được Bộ Tài chính "vá" phần nào vào cuối tuần trước và cách tính thuế nhập khẩu mới đã được áp dụng từ đợt điều chỉnh lần này, song khoản chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng trước đó vẫn rơi vào túi doanh nghiệp, trong khi họ lại không chia sẻ với người tiêu dùng khi giá tăng trở lại khi tiếp tục bán với giá sát trần quy định (với xăng RON 92 là 14.420 đồng, so với trần 14.422 đồng một lít).