Từ ngày 1-11, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ được hưởng chi phí định mức 1.050 đồng/lít xăng, thay vì 860 đồng /lít như hiện nay
Dự thảo Thông tư liên tịch Quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu vừa được trình làng có điểm mới đáng lưu ý. Trong đó có nội dung về cách thức, quy định trích quỹ bình ổn giá, chi phí định mức…
Chi phí lưu thông tăng từ 860 đồng/lít lên 1050 đồng/lít
Cụ thể, chi phí kinh doanh định mức (chi phí lưu thông) là một điểm cơ bản trong công thức tính giá cơ sở đối với xăng tăng lên mức 1.050 đồng một lít. Chi phí bình quân giữa các vùng trong cả nước đối với dầu hỏa, dầu diezen tối đa là 950 đồng, dầu mazut 600 đồng mỗi kg. Trong đó, đối với mặt hàng xăng, dầu diezen, dầu hỏa đã bao gồm chi phí bán buôn, bán lẻ; đối với dầu mazut là chi phí bán buôn.
Điểm khác biệt của dự thảo là mức chi phí đã tăng khoảng 200 đồng/lít nếu so chi phí định mức tính theo Nghị định 84. Nghị định 84 quy định chi phí định mức đối với xăng, dầu diezen, dầu hỏa là 860 đồng một lít, riêng dầu mazut là 500 đồng 1kg.
Trong thời gian trước, các DN kinh doanh xăng dầu luôn cho rằng, lợi nhuận chi phí định mức đang ở mức quá thấp. Đại gia ngành xăng dầu - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kêu rằng, chi phí định mức 860 đồng/lít xăng không được tính đủ vào giá cơ sở đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của DN. Còn Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu vào tháng 4-2014 cũng từng gửi kiến nghị xin tăng chi phí định mức lên 1.200 đồng/lít. Chi phí định mức bao gồm thù lao đại lý, cước vận chuyển hàng từ cảng về kho, chi phí quản lý vận hành của DN, hao hụt.
Dự thảo cũng dành hẳn một phần riêng để ghi rõ cách thức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Thương nhân chỉ được trích quỹ với các trường hợp giá cơ sở tăng vượt 3%. Cụ thể trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt ba phần trăm (> 3%) đến bốn phần trăm (≤ 4%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤3%) và được sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với phần tăng vượt ba phần trăm (>3%) đến bốn phần trăm (≤4%).
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng vượt bốn phần trăm (> 4%) đến bảy phần trăm (≤ 7%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤3%) cộng (+) thêm năm mươi phần trăm (50%) của mức chênh lệch giá tính từ tỷ lệ giá cơ sở tăng vượt ba (>3%) đến tỷ lệ tăng thực tế trong phạm vi tăng vượt từ ba phần trăm (>3%) đến bảy phần trăm (≤7%); năm mươi phần trăm (50%) còn lại được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá.
Đo tác động tới giá bán lẻ xăng dầu
Nếu chi phí kinh doanh định mức tăng cao hơn mức 860 đồng/lít thì điều tất yếu là giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu sẽ tăng thêm. Khi dự thảo mới tăng các khoản chi phí đưa vào tính giá cơ sở, xăng Ron A 92 đối diện với nguy cơ gánh nặng thuế và phí. Mà tất yếu, người dân là đối tượng trực tiếp phải chi thêm tiền để mua xăng.
Phía Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua có nhiều kiến nghị gửi về xin tăng chi phí định mức. Mức thù lao 860 đồng/lít được xây dựng từ cơ sở giá của năm 2010. Cơ sở cho việc tăng chi phí kinh doanh định mức lên trung bình 200 đồng/lít đối với mặt hàng xăng là dựa trên kết quả khảo sát thực tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nói với PV Đại Đoàn Kết, giá xăng dầu là một chuyện, mà quan trọng hơn là chúng ta phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo về chất lượng, an toàn cháy nổ. Có những đơn vị đưa xăng dầu đến Mường Lát, Thanh Hóa (cách TP.Thanh Hóa 300km) để bán mà chi phí vẫn chỉ theo quy định. Khi nói về xăng dầu, phải đặt trong tổng thể kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Điều đó đúng một phần, vì trên thực tế, giá xăng, dầu tác động rất lớn đến đời sống xã hội, trên nhiều lĩnh vực. Thực tế cho thấy, mỗi khi xăng, dầu lên giá thì nhiều mặt hàng, dịch vụ lại theo đó mà lên.